Tự do và rộng mở là yếu tố then chốt để xây dựng một thị trường phát triển và lành mạnh.

Published by

on

Tuần vừa qua, CTN Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân đã thực hiện chuyến thăm chính thức Nhật Bản 4 ngày từ 27 đến 30 tháng 11, với kết quả là Tuyên bố chung về “nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và thế giới”. Đây là bước đi tất yếu của hai nước trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều biến động.

Với kết quả này, Nhật Bản là nước thứ sáu, cùng với Hoa Kỳ, Nam Hàn, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Mặc dù từ năm 2014, Hà Nội biện giải mối quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng” với Tokyo về bản chất đã là “toàn diện”. Bước đi này của hai bên, cùng với xu hướng ngoại giao trong ba năm trở lại đây của Việt Nam, ngoài mục tiêu chính tăng cường “Hợp tác an ninh và quốc phòng”, còn một ý chính khác rất đáng được chú ý. Đó là “đảm bảo an ninh kinh tế”.

Những con số không biết nói dối. Trong tuyên bố chung 2014, từ khoá “an ninh” được sử dụng 10 lần và “kinh tế” 13 lần. Nhưng trong tuyên bố chung 2023 vừa qua, “an ninh” là 18 và kinh tế là 33 lần, riêng từ ghép “an ninh kinh tế” lần đầu tiên được sử dụng, và lặp lại 3 lần.

Vậy “đảm bảo an ninh kinh tế” là gì? Hẳn đó không chỉ đơn thuần là tăng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương hay đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực. Mấu chốt của ý này nằm ở điểm số 20 trong toàn văn 52 điểm, nói về “tăng cường tính chống chịu của các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất ổn định”. Nói nôm na là tìm phương án dự phòng hoặc thay thế cho một niềm tin chiến lược đã bắt đầu lung lay.

Về phương diện chiến lược, phương án đó chính là “Tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), vốn được khởi xướng bởi cố thủ tướng Abe, và hiện nay đang được Nhật, Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ thúc đẩy. Yếu tố “tự do và rộng mở” được nhấn mạnh không chỉ ở ý nhĩa là mục tiêu của mọi nỗ lực, mà còn hàm ý như là điều kiện then chốt cho một chặng đường phát triển bền vững.

Giống như Adam Smith đã mô tả về “bàn tay vô hình”, trong những năm sắp tới, chúng ta có quyền hy vọng về một Việt Nam với thị trường tự do và mở rộng, hội nhập với thế giới phát triển, văn minh.

Leave a comment